Title: | Nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Author(s): | Trần Thị Thu Hiền |
Advisor(s): | Dr. Đinh Công Khải |
Keywords: | Ngành du lịch; Năng lực cạnh tranh; Tourism industry; Competitiveness |
Abstract: | Trước khi có Quyết định số 2473/QĐ - TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 27/5/2008 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và cần phải có sự quan tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế du lịch. Với sự nhìn nhận tầm quan trọng và quan tâm chỉ đạo từ rất sớm của các cấp lãnh đạo, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã có những bước tiến nhất định, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá khách quan thì ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp dẫn đến việc chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Qua phân tích, nghiên cứu đã chỉ ra những tồn tại chính yếu làm ảnh hưởng đến đà phát triển và năng lực cạnh tranh của cụm ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đó là: Nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động phát triển du lịch còn hạn chế; Việc triển khai hiện thực hóa các chủ trương, chính sách về thúc đẩy du lịch, cũng như công tác quy hoạch du lịch còn chậm và mang tính hình thức, chưa cập nhật và sâu sát với đòi hỏi thực tế. Điều này đã dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong việc tạo ra một không gian sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao cũng như các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Từ những nhận định trên, nghiên cứu đã đưa ra 04 nhóm giải pháp cơ bản để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm tăng năng lực cạnh trạnh cụm ngành du lịch tỉnh, gồm: (i) tăng cường hiệu quả công tác quản lí, xây dựng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; (ii) tăng cường thể chế hỗ trợ phát triển du lịch, thu hút đầu tư; (iii) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (iv) Tăng cường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường nhằm phát triển du lịch bền vững. |
Issue Date: | 2018 |
Publisher: | Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh |
URI: | http://opac.ueh.edu.vn/record=b1028061~S1 http://digital.lib.ueh.edu.vn/handle/UEH/57822 |
Appears in Collections: | MASTER'S THESES
|