Title: | Giảm Nghèo Bền Vững Ở Thành Phố Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Thực Trạng Và Khuyến Nghị Chính Sách |
Author(s): | Trần Văn Tuấn |
Advisor(s): | Assoc. Prof. Nguyễn Đông Phong |
Keywords: | Nghèo; Phát triển bền vững; Chính sách của chính phủ; Poverty; Sustainable development; Government policy |
Abstract: | Bà Rịa là thành phố tỉnh lỵ thuộc tỉnh BR-VT, là một trong những địa phương có trình độ phát triển KT-XH cao so với cả nước. Xét theo chuẩn nghèo quốc gia, tỉnh BR-VT nói chung, TP. Bà Rịa nói riêng hiện không còn hộ nghèo. Tuy nhiên, nghèo là một khái niệm tương đối, nên nếu xét theo chuẩn nghèo của Tỉnh thì tỷ lệ hộ nghèo ở BR-VT cũng như ở TP. Bà Rịa nói chung vẫn còn cao, nhiều thách thức giảm nghèo vẫn cần được đặt ra, nhất là trong bối cảnh tỉnh BR-VT vừa mới ban hành chuẩn nghèo mới cao hơn 1,3 lần so với chuẩn nghèo quốc gia. Đặc biệt hơn, đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020-2021 đã tác động sâu rộng lên đời sống của hầu hết người dân, trong đó tình cảnh của các hộ nghèo càng thêm khó khăn. Điều này cần được nghiên cứu, nhận diện, để có những giải pháp chính sách phù hợp. Luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, sử dụng khung phân tích giảm nghèo bền vững của UNDP năm 2021, nguồn dữ liệu thứ cấp và nguồn dữ liệu điều tra khảo sát, nhằm đánh giá thực trạng nghèo ở TP. Bà Rịa trong giai đoạn 2016-2022, trong đó đặc biệt phân tích tình trạng nghèo dưới tác động của Covid-19, phân tích vai trò, ý nghĩa, đánh giá những thành công và hạn chế của các chính sách giảm nghèo thực hiện ở địa phương thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp và chính sách nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo mới mà tỉnh BRVT đã đề ra cho giai đoạn 2022-2025. Kết quả nghiên cứu cho thấy TP. Bà Rịa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh vượt mục tiêu và kế hoạch đề ra, nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững, không có hộ tái nghèo. Đặc biệt Covid-19 mặc dù có tác động đáng kể đến đời sống người dân nhưng nhờ dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ ở địa phương nên đã hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về kinh tế cũng như tối thiểu hóa ảnh hưởng đến đời sống người dân, trong đó có hộ nghèo. Đặc biệt, qua kết quả khảo sát không ghi nhận trường hợp hộ dân nào bị rơi vào tình trạng nghèo do Covid-19. Phân tích cho thấy có được kết quả giảm nghèo tích cực đó là nhờ địa phương đã chủ động, tích cực triển khai một loạt các chính sách giảm nghèo hiệu quả, phát huy vai trò của các bên liên quan, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội cùng chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Với chuẩn nghèo mới được áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 ở BR-VT, đặt trong bối cảnh hậu Covid-19 có những thuận lợi và khó khăn mới, luận văn sử dụng khung phân tích của UNDP (2021) để đề ra các nhóm chính sách nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung vào 3 trụ cột gồm: (i) Thúc đẩy việc làm có năng suất cho mọi người; (ii) Nâng cao năng lực thông qua cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội; và (iii) Nâng cao khả năng chống chịu thông qua mở rộng và tăng cường hệ thống an sinh xã hội. |
Issue Date: | 2023 |
Publisher: | Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh |
URI: | https://opac.ueh.edu.vn/record=b1036009~S1 https://digital.lib.ueh.edu.vn/handle/UEH/70387 |
Appears in Collections: | MASTER'S THESES
|