
Please use this identifier to cite or link to this item:
https://digital.lib.ueh.edu.vn/handle/UEH/74873
Title: | Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh | Author(s): | Đặng Quốc Toàn | Advisor(s): | Assoc. Prof. Dr. Nguyễn Minh Tuấn | Keywords: | Phát triển bền vững; Sustainable development | Abstract: | Phát triển công nghiệp bền vững phải đảm bảo thực hiện đồng thời ba mục tiêu kinh tế - xã hội – bảo vệ môi trường. TPHCM là đầu tàu của khu vực phía Nam trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển ngành công nghiệp nói riêng. Trong thời gian qua, ngành công nghiệp Thành phố đã từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại, tập trung vào phát triển những ngành công nghiệp (CN) công nghệ cao, gắn với việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy vậy, quá trình phát triển CN của Thành phố Hồ Chí Minh đã bộc lộ những hạn chế về cơ cấu, đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường,… dẫn đến công nghiệp tăng trưởng chậm lại và đứng trước những thách thức mới. Để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với ngành công nghiệp Thành phố trong bối cảnh mới, đòi hỏi phải phát triển ngành CN theo hướng bền vững.Trên cơ sở lý thuyết phát triển bền vững, lý thuyết kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin và tổng quan các nghiên cứu liên quan, kết hợp với việc khảo sát, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý ngành công nghiệp, tác giả luận án đi sâu phân tích các tiêu chí đánh giá sự phát triển CN theo hướng bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên các tiêu chí sau: Các tiêu chí về kinh tế bao gồm: tăng trưởng của ngành CN, tỷ lệ đóng góp của ngành CN trong GRDP, cơ cấu ngành công nghiệp, kết cấu hạ tầng của ngành CN. Các tiêu chí về xã hội bao gồm: lao động làm việc trong ngành CN, thu nhập bình quân và gia tăng thu nhập của lao động trong công nghiệp, và các yếu tố an sinh xã hội cho người lao động trong phát triển CN. Các tiêu chí về môi trường bao gồm: sự phát triển công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp sinh thái, phát thải và ô nhiễm công nghiệp, ứng dụng công nghệ sạch, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, tác giả đã đi sâu phân tích các nhân tố nền tảng cho phát triển bền vững ngành công nghiệp bao gồm các yếu tố về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Trong đó, các yếu tố về lực lượng sản xuất gồm nguồn nhân lực, quỹ đất và hạ tầng cho phát triển CN, vốn đầu tư phát triển CN, năng lực khoa học – công nghệ; các yếu tố về quan hệ sản xuất gồm thu hút đầu tư từ các khu vực kinh tế, hiệu quả hoạt động và thu nhập của lao động trong các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế; các yếu tố về kiến trúc thượng tầng gồm chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, chủ trương và chính sách của Thành phố, và thiết chế và quản lý phát triển công nghiệp theo hướng bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Từ nghiên cứu, phân tích thực trạng phát triển công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy, ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Xét về quy mô, ngành CN Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước với tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn năm 2023 đạt gần 300.000 tỷ đồng. Tuy vậy, nghiên cứu cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành CN thiếu ổn định, thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố, sản xuất công nghiệp những năm qua tăng chậm và nhiều biến động. Tỷ trọng của ngành CN trong cơ cấu kinh tế không có sự gia tăng đáng kể trong hơn mười năm qua. Phân tích so sánh trong cơ cấu CN của cả nước và vùng Đông Nam Bộ, thì tỷ trọng đóng góp của ngành CN Thành phố Hồ Chí Minh gần đây có xu hướng giảm dần. Cơ cấu ngành CN của Thành phố có sự điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng còn chậm, ngành thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp vẫn còn chiếm tỷ trọng cao, chưa có những đột phá trong phát triển các ngành CN. Cơ cấu lao động trong công nghiệp chuyển dịch cùng chiều với sự chuyển dịch của cơ cấu ngành công nghiệp. Thu nhập của lao động trong ngành CN tăng chậm và năng suất lao động (NSLĐ) còn thấp. NSLĐ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tăng lên và chủ yếu từ hiệu ứng nội sinh, nhưng vẫn là ngành có NSLĐ thấp nhất trong công nghiệp và thấp hơn mức trung bình chung của các ngành kinh tế. Trong khi đó, ngành này chiếm tỷ trọng chi phối trong CN của Thành phố và chiếm hơn 90%lao động trong công nghiệp. Các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) hiện hữu đã thành lập từ nhiều năm trước, hoạt động theo mô hình cũ, cộng sinh công nghiệp, liên kết của doanh nghiệp trong KCX, KCN thấp và chưa có mô hình KCX, KCN sinh thái. Hạ tầng xã hội như nhà lưu trú, cơ sở y tế, công trình thể dục thể thao,... phục vụ công nhân vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với sự phát triển và đóng góp của ngành công nghiệp, người lao động làm việc trong công nghiệp. Lao động đã qua đào tạo của Thành phố mặc dù có tỷ lệ cao hơn so với các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ nhưng chỉ đạt tỷ lệ hơn35% và tăng chậm, chỉ ở mức trung bình khoảng 1% năm. Quỹ đất phát triển công nghiệp còn hạn hẹp, giá cho thuê cao và hầu hết các KCX, KCN diện tích nhỏ, cơ bản đã được lấp đầy. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật của các KCX, KCN tại TPHCM đáp ứng cơ bản nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp, nhưng thiếu đồng bộ và chưa tạo được nền tảng cho nền công nghiệp xanh, công nghiệp thâm dụng công nghệ. Khoa học – công nghệ (KH – CN) mặc dù được chú trọng nhưng đầu tư cho KH - CN chưa đạt mức 1%GRDP, chưa phát triển và làm chủ được công nghệ trong các ngành công nghiệp mới của cuộc CMCN 4.0. Quan hệ sản xuất trong khu vực công nghiệp tương đối phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển các ngành CN của TP.HCM. Khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa khẳng định được vai trò, vị trí là động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành CN và thiếu sự gắn kết giữa khu vực FDI và các doanh nghiệp trong các ngành CN trọng yếu trên địa bàn Thành phố. Các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò và cơ chế quản lý ngành CN của chính quyền TPHCM thời gian qua đã tạo những nền tảng quan trọng, thuận lợi cho phát triển CN bền vững. Tuy nhiên, về cơ chế quản lý, chính sách và thủ tục hành chính vẫn còn những hạn chế, bất cập, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố nói chung và của ngành công nghiệp nói riêng chưa cao xét trên chỉ số PCI. Từ nền tảng lý thuyết và kết quả phân tích thực trạng, luận án đã đưa ra những định hướng và những chính sách, giải pháp phát triển công nghiệp tại TPHCM theo hướng bền vững trong bối cảnh mới. Các chính sách và giải pháp tập trung vào những vấn đề gồm: đẩy mạnh phát triển các ngành CN thành phố theo hướng bền vững; quy hoạch và phát triển hạ tầng CN theo hướng bền vững; phát triển nguồn nhân lực, đặcbiệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển CN theo hướng bền vững; nâng cao năng lực KH - CN nhằm phát triển CN theo hướng bền vững; thu hút đầu tư của các khu vực kinh tế để phát triển CN theo hướng bền vững; nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý của chính quyền thành phố nhằm phát triển CN theo hướng bền vững; thực hiện liên kết vùng để phát triển CN theo hướng bền vững. Trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu thuộc chuyên ngành kinh tế chính trị, tác giả đã nỗ lực thực hiện đề tài theo đúng những mục tiêu đã đề ra, đồng thời đã có những đóng góp về lý luận và thực tiễn cho phát triển ngành CN theo hướng bền vững tại TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Song, đề tài rộng về phạm vi và nội dung nghiên cứu, vì vậy luận án không thể tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Tác giả mong nhận được những ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà quản lý trong lĩnh vực nghiên cứu để luận án được hoàn thiện hơn. | Issue Date: | 2025 | Publisher: | Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh | URI: | https://opac.ueh.edu.vn/record=b1038538~S1 https://digital.lib.ueh.edu.vn/handle/UEH/74873 |
Appears in Collections: | DISSERTATIONS |
Files in This Item:
File
Description
Size
Format
Google ScholarTM
Check
Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.