Title: | Giá trị sử dụng nước tưới và chính sách giá thủy lợi ở Việt Nam |
Author(s): | Hà Diệu Linh |
Advisor(s): | Dr. Lê Việt Phú |
Keywords: | Thuỷ lợi; Irrigation; Việt Nam; Vietnam; Investment planning; Kế hoạch đầu tư |
Abstract: | Trong bối cảnh khan hiếm nước, nước tưới sử dụng trong sản xuất nông nghiệp cần được định giá và chi trả hợp lý để khuyến khích hành vi tiết kiệm, phân bổ nguồn nước tối ưu, và đảm bảo sự bền vững của hoạt động cung cấp dịch vụ thủy lợi. Từ năm 1984, Việt Nam đã có chính sách thủy lợi phí, tuy nhiên chính sách này không thành công trong công tác hành thu. Đến năm 2009, Chính phủ miễn thủy lợi phí đối với nông hộ sản xuất, dẫn đến việc người dân trồng loại cây thâm dụng nước, đặc biệt là cây lúa. Hệ quả là nhu cầu nước tưới tăng, ngân sách thêm áp lực đầu tư cho hệ thống thủy lợi trong khi chi phí vận hành thiếu thốn. Những thất bại trên được nhận định là do chính sách thủy lợi phí thiếu đánh giá hợp lý về giá trị sử dụng (GTSD) nước tưới. Nghiên cứu này tính toán GTSD của nước tưới nhằm làm rõ nguyên nhân thất bại của chính sách thủy lợi phí cũ, từ đó đưa ra khuyến nghị đối với chính sách giá thủy lợi đang được xây dựng ở Việt Nam. Bằng cách tiếp cận hàm sản xuất, mô hình Ricardian và định giá thụ hưởng, tác giả ước lượng GTSD của nước tưới thông qua giá trị sản lượng là [505; 1325] nghìn VNĐ/ha; thông qua giá trị lợi nhuận là [263; 922] nghìn VNĐ/ha. Kết quả ước tính GTSD nước tưới từ chênh lệch giá đất được tưới và không tưới là [13,925; 38,248] nghìn VNĐ/ha tuy nhiên ít tính tin cậy do thị trường đất nông nghiệp phức tạp, thông tin thiếu minh bạch có thể dẫn tới ước lượng thiên lệch. Kết quả tính toán GTSD nước tưới cho thấy chính sách thủy lợi phí cũ không thành công do mức thu 1,830 - 4,527 nghìn đồng/ha/năm, cao hơn khoảng 4 lần so với GTSD nước tưới. Việc sử dụng nước tưới từ hệ thống thủy lợi cho cây hàng năm không đem lại giá trị giá tăng đáng kể để nông dân chi trả tiền nước. Tài chính thủy lợi là thiếu bền vững, khi mà GTSD nước tưới chỉ bù đắp được khoảng 19% - 22% chi phí thủy lợi cần thiết. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy GTSD của nước tưới có mức dao động lớn giữa các nông hộ, dẫn đến quy định một mức giá nước tưới cố định khó lòng đạt được sự đồng thuận của nông dân. Từ kết quả phân tích GTSD nước tưới và bất cập của chính sách thủy lợi phí như trên, tác giả đưa ra 3 hàm ý chính sách giá thủy lợi đang xây dựng ở Việt Nam. Thứ nhất, Chính phủ nên thu đầy đủ GTSD nước tưới đối với cây hàng năm, không hỗ trợ chi phí cho cây trồng thâm dụng nước và có GTSD của tưới thấp. Thứ hai, chính sách giá thủy lợi không nên quy định một mức giá nước tưới cố định mà nên được thiết kế dựa trên hợp đồng giao lượng nước cố định cho mỗi hệ thống thủy nông. Nông dân trong cùng một hệ thống tự thỏa thuận chia sẻ chi phí tưới dựa theo nhu cầu sử dụng. Cơ chế này sẽ tạo ra môi trường để nông dân tự thỏa thuận với nhau về chi phí tưới dựa trên lợi ích biên và khuyến khích hành vi tiết kiệm do bị ràng buộc về lượng nước sử dụng trong cùng một hệ thống. Cuối cùng, Chính phủ nên thực hiện đánh giá lựa chọn cây trồng có GTSD nước tưới cao hơn và khuyến khích nông dân chuyển đổi loại cây trồng đối với những vùng trồng cây thâm dụng nước có GTSD nước tưới thấp. |
Issue Date: | 2017 |
Publisher: | Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh |
Description: | Public Policy = Chính sách công |
URI: | http://opac.ueh.edu.vn/record=b1025572~S1 http://digital.lib.ueh.edu.vn/handle/UEH/55570 |
Appears in Collections: | MASTER'S THESES
|