Title: | Thông tin bất cân xứng và nhu cầu rau của người tiêu dùng tại TP.HCM |
Author(s): | Lê Thị Tuyết Thanh |
Advisor(s): | Dr. Trương Đăng Thụy Dr. Lê Thanh Loan |
Keywords: | Nghiên cứu khách hàng; Hành vi người tiêu dùng; Customer research; Consumer behavior |
Abstract: | Thị trường rau ở TP.HCM tồn tại vấn đề thông tin bất cân xứng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do người mua không thể nhận biết được rau an toàn (RAT). Điều này dẫn đến việc người sản xuất vì động cơ lợi nhuận có thể áp dụng các kỹ thuật sản xuất không an toàn, từ đó loại RAT ra khỏi thị trường. Đối mặt với vấn đề này, người mua có xu hướng tìm hiểu thông tin nhằm mua được RAT, trong khi người bán sẽ phát tín hiệu về chất lượng và VSATTP của rau. Luận án này tập trung vào tác động của việc tìm kiếm thông tin đến hành vi, lựa chọn và sở thích đối với RAT và các thuộc tính an toàn của rau. Ở Việt Nam, đây là những vấn đề chưa được nghiên cứu, hoặc nghiên cứu theo những phương pháp chưa phù hợp. Luận án có ba mục tiêu nghiên cứu. Mục tiêu 1 phân tích tác động của yếu tố giá cả và tần suất theo dõi thông tin VSATTP đến nhu cầu RAT bằng cách ước lượng hệ phương trình 6 hàm cầu cho ba nhóm: rau ăn lá, rau ăn củ và rau ăn quả, mỗi nhóm có hai loại thường và an toàn. Mục tiêu 2 áp dụng phương pháp choice experiment (CE) để đo lường giá sẵn lòng trả (WTP) cho các thuộc tính an toàn của rau và tác động của thông tin đến WTP. Hai loại rau được lựa chọn là rau muống và cà rốt. Các thuộc tính được xem xét gồm: nơi bán, chứng nhận an toàn, cam kết của người bán, bao bì và thông tin trên bao bì. Mục tiêu 3 áp dụng mô hình Multinomial Logit Model (MNL) để phân tích tác động của đặc điểm người mua đến sự lựa chọn nơi mua rau, và mô hình Random Utility Model (RUM) để phân tích ảnh hưởng của các thuộc tính từng nơi mua đến sự lựa chọn nơi mua rau. Số liệu sử dụng cho ba mục tiêu được khảo sát từ 320 người mua rau tại TPHCM trong năm 2018. Biến giải thích trọng tâm ở cả 3 mục tiêu là tần suất theo dõi thông tin qua các kênh, số vụ ngộ độc, vi phạm VSATTP và số lần ngộ độc trong quá khứ. Kết quả nghiên cứu cho thấy thông tin tác động rất hạn chế đến nhu cầu RAT, WTP cho các thuộc tính an toàn của rau và sự lựa chọn nơi mua rau, mặc dù trong một số trường hợp, việc theo dõi thông tin ở tần suất vừa phải sẽ dẫn đến WTP cao hơn cho các thuộc tính an toàn ở rau. Điều này hàm ý rằng các kênh thông tin hiện tại không hiệu quả trong việc hướng người tiêu dùng chuyển sang dùng RAT. Tin tức về số vụ vi phạm và ngộ độc thực phẩm không có ảnh hưởng đến xác suất lựa chọn RAT cũng như lượng cầu, nhưng có thể hướng người mua rau đến những các kênh phân phối hiện đại như siêu thị và cửa hàng RAT. Số vụ mắc phải các triệu chứng ngộ độc của các thành viên trong gia đình không ảnh hưởng đến xác suất chọn RAT, lượng cầu RAT, sở thích đối với các thuộc tính an toàn, cũng như sự lựa chọn các kênh hiện đại. Nghiên cứu cũng nhận ra rằng độ co giãn của cầu RAT là thấp và không bị thay thế bởi rau thường. Người mua không sẵn lòng trả cho chứng nhận VietGAP, mặc dù sẵn lòng trả cao cho chứng nhận hữu cơ và cam kết bồi thường của người bán. Bao bì, thông tin nhà sản xuất được đánh giá cao trong một số trường hợp. Đối với các đặc điểm của nơi bán rau, thì khoảng cách, mức độ an toàn và mức độ cung cấp thông tin được đánh giá cao, và là những đặc điểm mà các nhà bán lẻ có thể tập trung đầu tư để thu hút khách hàng. |
Issue Date: | 2019 |
Publisher: | Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh |
URI: | http://opac.ueh.edu.vn/record=b1029967~S1 http://digital.lib.ueh.edu.vn/handle/UEH/59035 |
Appears in Collections: | DISSERTATIONS
|