Abstract: | Chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh của tỉnh Nam Định, luôn ở vị trí tốp đầu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp về quy mô đàn lợn, giá trị và sản lượng hàng năm. Chăn nuôi lợn đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi. Mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi lợn hiện nay cần được chú trọng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững vì tính hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, năng lực đầu tư phát triển chăn nuôi hàng hóa thương phẩm hạn chế; phát triển chăn nuôi lợn thịt phụ thuộc rất lớn vào giá cả thức ăn chăn nuôi và giá lợn thịt hơi. Từ thực trạng chăn nuôi lợn tại tỉnh Nam Định cũng như nhận thức được tầm quan trọng của mô hình kinh tế tế chăn nuôi lợn, nghiên cứu này đã tập trung phân tích đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của các trang trại chăn nuôi lợn ở tỉnh Nam Định. Mô hình nghiên cứu dựa trên nền tảng lý thuyết mô hình kinh tế trang trại, lý thuyết thu nhập và các mô hình hàm sản suất của CobbDouglas và Park Sung Sang (1992). Kết quả phân tích khảo sát 135 trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn cho thấy mô hình nghiên cứu với 3 loại rủi ro (rủi ro sản xuất, rủi ro thị trường, rủi ro tài chính) và các biến trình độ học vấn của chủ trang trại, kinh nghiệm chăn nuôi, quy mô chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật, các loại chi phí (chi phí giống, chi phí thức ăn, chi phí thuốc) được cho là phù hợp để đánh giá thu nhập của các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Các nhân tố nhân khẩu học tác động tích cực đến thu nhập của trang trại chăn nuôi lợn. Trong khi các nhân tố rủi ro sản xuất, rủi ro thị trường, chi phí giống, chi phí thức ăn, chi phí thuốc tác động tích cực đến biến phụ thuộc. Kết quả này là cơ sở rất quan trọng nhằm đề xuất các chính sách nhằm nâng cao thu nhập của các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Nam Định trong thời gian tới. |