Title: | Hành vi mua hàng hoảng loạn trong thời gian đầu của dịch bệnh Covid-19 |
Author(s): | Nguyễn Thị Huyền Trang |
Advisor(s): | Nguyễn Ngọc Danh |
Keywords: | Mua hàng hoảng loạn; COVID-19; Quá tải thông tin; Cyberchondria |
Abstract: | Trong đại dịch COVID-19, xuất hiện hành vi tiêu dùng bất thường (chẳng hạn như tích trữ giấy vệ sinh) đã được báo cáo trên toàn cầu. Chúng tôi đã điều tra hành vi này vì lo ngại về sự gián đoạn thị trường, nắm bắt hành vi của con người trong tình huống dịch bệnh. Dựa trên khung phản ứng kích thích môi trường (SOR), chúng tôi đề xuất một mô hình cấu trúc kết nối việc tiếp xúc với các nguồn thông tin trực tuyến (kích thích từ môi trường) với hai phản ứng hành vi: mua hàng bất thường và tự cô lập bản thân. Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu tâm lý và hành vi mua hàng hoảng loạn của người tiêu dùng tại 19 tỉnh thành phía Nam Việt Nam trong thời gian diễn ra đại dịch. Bài nghiên đã xây dựng một mô hình lý thuyết liên kết các yếu tố quyết định hành vi mua hàng hoảng loạn, từ đó phân tích mối quan hệ tác động qua lại của chúng. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng là chủ yếu. Dữ liệu được thu thập từ 287 người tiêu dùng tại khu vực phía Nam Việt Nam thông qua cuộc khảo sát trực tuyến được tiến hành trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 vào tháng 8 năm 2021. Từ dữ liệu thu thập được, chúng tôi tiến hành phân tích dữ liệu và kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính SEM với AMOS 20 và phần mềm SPSS 20 với các kỹ thuật phân tích dữ liệu được sử dụng chủ yếu: phân tích độ tin cậy, phân tích nhân tố và phân tích hồi quy đa biến. Qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa ý định tự cô lập bản thân và ý định mua hàng bất thường, cung cấp bằng chứng thực nghiệm rằng hành vi người tiêu dùng được báo cáo có liên quan trực tiếp đến thời gian dự kiến dành cho việc tự cô lập. Kết quả cho thấy việc tiếp xúc với các nguồn thông tin trực tuyến đã dẫn đến sự gia tăng tình trạng quá tải thông tin và sự nhận thức về mức độ nghiêm trọng. Quá tải thông tin cũng là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về cyberchondria và yếu tố nhận thức mức độ nghiêm trọng. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của một tình huống đã tác động mạnh mẽ đến ý định tự cô lập, còn cyberchondria thì tác động đáng kể lên ý định mua hàng bất thường. Nghiên cứu này trong tương lai là cần thiết để xác định những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch đối với các dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ. Bài nghiên cứu mở rộng lý thuyết hiện tại về hành vi mua hàng hoảng loạn, đưa ra những giải pháp ngắn hạn và dài hạn để hạn chế tình trạng mua hàng hoảng loạn trong tương lai, có thể phản ứng tốt hơn với các tình huống tương tự, giúp các dịch vụ bán lẻ và tiêu dùng đang gặp khó khăn đối phó với đại dịch COVID-19, cung cấp kiến thức để chuyển đổi tối ưu sang hiện trạng mới của các dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ, dự kiến sẽ xuất hiện khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. |
Issue Date: | 2022 |
Publisher: | Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh |
Series/Report no.: | Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ UEH 2022 |
URI: | https://digital.lib.ueh.edu.vn/handle/UEH/73198 |
Appears in Collections: | Nhà nghiên cứu trẻ UEH
|